CHIA SẺ

Thứ Ba, 27 tháng 7, 2021

TRIỂN VỌNG MỘT GIỐNG CÂY RỪNG MỚI VỚI THÔNG CARIBE

Thông Caribe (Pinus Caribaea Morelet) là loài cây mới được nhập và gây trồng ở Việt Nam. Giống Thông này có sự thích nghi tốt, hiệu suất cao vì vậy được một số cán bộ chuyên môn về ngành lâm học đánh giá đây là loài cây rất có triển vọng đối với rừng ở các vùng miền núi phía Bắc, Tây Nguyên…


Ươm Giống Cây Thông Caribe

Cây Thông Caribe triển vọng trồng rừng

Giống Thông Caribe hiện đã được chọn lọc và công nhận giống tiến bộ kỹ thuật (theo QĐ số 3614/QĐ-BNN- KHCN ngày 8/8/2001 của Bộ NN-PTNT và là loài cây được đưa vào danh mục cây trồng rừng chủ lực cho các tỉnh miền núi phía Bắc.

Đặc biệt, từ năm 2000 – 2004, Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Đông Bắc Bộ (thuộc Vafs) đã xây dựng 25ha mô hình Thông Caribe trên 5 tỉnh vùng Đông Bắc gồm Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc đều cho sinh trưởng tốt.


Cây Thông Caribe triển vọng trồng rừng

Trước đây, các dự án trồng rừng của nhà nước rất quen với việc trồng các loài Thông Mã Vĩ, Thông Nhựa, song khả năng sinh trưởng kém hơn hẳn Thông Caribe. Đặc biệt, Thông Caribe có thể sinh trưởng tốt trên các lập địa mà các cây trồng khác khó có thể sinh trưởng. Trên những vùng đồi thoái hóa sỏi đá, những bình địa dưới 300m Thông Caribe vẫn cho tốc độ sinh trưởng từ 20m3/ha/năm. Vì vậy, Cây Thông Caribê đã được các chương trình khuyến lâm quốc gia chọn làm cây trồng chính thay thế các loài Thông cũ.

Thông Caribe triển vọng cho vùng nguyên liệu giấy

Theo các nhà chuyên môn cho biết: “Về thành phần hóa học, hiệu suất bột giấy phụ thuộc vào nhiều thành phần hóa học của gỗ. Trong đó, thành phần xenluylô càng cao và các thành phần hóa học khác càng thấp thì chất lượng bột giấy càng tốt. Hàm lượng xenluylô trong cây Thông Caribe đạt từ 45%- 50,7% – cao hơn Thông Hai Lá và Thông Ba Lá cùng độ tuổi”.


Thông Caribe triển vọng cho vùng nguyên liệu giấy

Với các thành phần hóa học khác, đặc biệt là lignin, càng thấp thì càng tốt. Trong quá trình chế biến bột giấy, cần phải loại bỏ các thành phần này vì nếu hàm lượng thành phần này trong gỗ càng thấp thì công nghệ chế biến bột giấy sẽ ít khắc nghiệt hơn và hiệu quả sử dụng hóa chất sẽ cao hơn. Qua phân tích, các nhà khoa học kết luận: “Thông Caribe có hàm lượng lignin thấp hơn so một số loài Thông trồng ở nước ngoài”.

Từ kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học của Viện Khoa Học Lâm Nghiệp Việt Nam và Viện Công Nghiệp Giấy Xenluylô khẳng định: “Thông Caribe trồng ở nước ta là nguyên liệu đạt tiêu chuẩn để sản xuất bột giấy chất lượng cao. Đặc biệt, Thông Caribe trồng ở Lang Hanh có tiềm năng bột giấy cao hơn hẳn Thông trồng ở Đại Lải trong giai đoạn tuổi từ 11 – 15 (cùng một cấp tuổi)…”.